Ngày 20/6/2024, Viện Hải quan – Thuế – Kho bạc, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số” đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực logistics ở Việt Nam.
Vừa qua, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số”. Hội thảo có sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia trong các cơ sở giáo dục đại học, cộng đồng doanh nghiệp logistics và chuỗi cung ứng, các đơn vị liên quan nhằm trao đổi về tình hình, xu hướng phát triển ngành Logistics hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam; các kết quả, kinh nghiệm thực tế ứng dụng trong đào tạo chất lượng cao phục vụ cho hoạt động Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số.
Khai mạc hội thảo, TS. Trương Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội cho hay, hội thảo là cơ hội cho các chuyên gia trong các cơ sở giáo dục đại học, cộng đồng doanh nghiệp logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà quản lý trao đổi về tình hình, xu hướng phát triển ngành Logistics hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, đang ở mức độ nào, các kết quả, kinh nghiệm thực tế ứng dụng trong đào tạo chất lượng cao phục vụ cho hoạt động logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số.
Ông Trương Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội thông tin về xu hướng đào tạo nhân lực logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu tại các cơ sở đào tạo, cũng như chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia đặt ra các vấn đề thách thức trong đào tạo logistics tại Việt Nam. Việt Nam đang có hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Tuy nhiên, nhân lực ngành logistics vẫn chưa được đáp ứng đủ.
Với thực trạng khan hiếm nguồn nhân lực, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics đã và đang được đẩy mạnh và ưu tiên trong thời gian qua. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics ngày càng cần phải được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu thực tế.
Dự báo đến năm 2030, ngành Logistics cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Tuy nhiên, phần lớn các trường còn hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng, ít có cơ hội cho học sinh có trải nghiệm thực hành. Thực tế khảo sát cho thấy, đa số các đơn vị đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng các phần mềm, hệ thống mô phỏng, giả lập và chỉ có một số ít trường, được đầu tư theo các nguồn kinh phí quốc tế mới có thể tổ chức các hoạt động thực hành gần với thực tiễn.
Đào tạo chất lượng cao ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội: Thế mạnh, cơ hội và thách thức
Với thế mạnh đào tạo các kiến thức về khối ngành kinh tế, đồng thời để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2024, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội thành lập Viện Hải quan – Thuế – Kho bạc, trong đó xây dựng định hướng chuyên ngành Logistics – Hải quan với mục tiêu xây dựng một cơ sở giáo dục đào tạo chuyên sâu chuyên nghiệp về 02 lĩnh vực đang có xu hướng phát triển mạnh và có sự gắn kết chặt chẽ.
Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số” do Viện Hải quan – Thuế – Kho bạc trực thuộc Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức nhằm đáp ứng các mục tiêu về đào tạo nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động Việt Nam cũng như môi trường kinh doanh toàn cầu.
Cơ hội về việc đào tạo ngành/chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu hướng về thực tế, thông qua các mô hình giả lập chuyên nghiệp như mô hình Beer Distribution Game (MIT Sloan School of Management) và mô hình Supply Chain Model Globe; học liệu và không gian truy cập không giới hạn; chất lượng giáo dục và đào tạo nâng cao…
Tuy nhiên, một số thách thức mà Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội phải đối mặt đó là môi trường học tập đòi hỏi sự đổi mới, tương tác thường xuyên giữa SV-SV, GV-SV; GV cần được đào tạo và nâng cao trình độ cũng như tiếp cận các nền tảng công nghệ đang được ứng dụng thực tế, hỗ trợ tham gia các khóa học chất lượng về chuyên môn; ưu tiên kinh phí sử dụng công nghệ, phần mềm phục vụ giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao phương pháp giảng dạy. Điều này không chỉ giúp đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường có lợi thế so với mặt bằng các trường đại học khối kinh tế, trong tương lai còn tiến xa hơn trong công tác ươm mầm các tài năng là thế hệ sinh viên của Nhà trường.
Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số” đã góp phần đề xuất, khuyến nghị những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác đào tạo với chất lượng cao lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu tại các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao học ở Việt Nam nói chung cũng như định hướng cho hoạt động đào tạo trong thời gian tới tại Viện Hải quan – Thuế – Kho bạc thuộc Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội.
Viện Hải quan – Thuế – Kho bạc